VĂN PHÒNG CÔNG CHỨNG
NGUYỄN HẢI SÂM
Ngày 16/11/2015, Bộ Tư pháp ban hành Công văn số 4233/BTP-BTTP hướng dẫn thẩm quyền về công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất, nhà ở. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tư pháp, ngày 17/12/2015 Sở Tư pháp đã có Công văn số 1433/STP-BTTP đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các Tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh lưu ý một số nội dung về thẩm quyền công chứng và chứng thực.
1. Trước hết phải tổ chức quán triệt đầy đủ đến cán bộ, công chức tại cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương mình các quy định có liên quan về vấn đề công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất, nhà ở trong Luật Đất đai năm 2013, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Công chứng năm 2014 và Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 về cấp bản sao từ số gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch, cụ thể:
- Luật Đất đai năm 2013 quy định: hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản 3 Điều 167 của Luật này.
- Luật Nhà ở năm 2014 quy định: trường hợp mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải thực hiện công chứng, chứng thực; tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở theo quy định tại khoản 2 Điều 122 thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.
Như vậy, theo các quy định của Luật Đất đai, Luật Nhà ở nêu trên, cá nhân, tổ chức khi thực hiện các quyền của mình đối với quyền sử dụng đất, nhà ở được lựa chọn công chứng tại các tổ chức hành nghề công chứng hoặc chứng thực tại Ủy ban nhân dân cấp xã. Việc công chứng được thực hiện theo thủ tục quy định tại Luật Công chứng năm 2014. Việc chứng thực được thực hiện theo thủ tục quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP.
2. Công chứng và chứng thực là hai việc khác nhau. Công chứng là việc Công chứng viên chứng nhận tính xác thực và tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch; Công chứng viên phải chịu trách nhiệm về nội dung của hợp đồng, giao dịch, chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng của mình, bồi thường thiệt hại do mình gây ra trong quá trình hành nghề công chứng nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch. Chứng thực là việc Ủy ban nhân dân cấp xã chứng thực về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch; người yêu cầu chứng thực phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch.
Theo đó, các Tổ chức hành nghề công chứng, Ủy ban nhân dân dân cấp xã khi tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, chứng thực, phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực và pháp luật khác có liên quan, đồng thời tuyên truyền, giải thích cho cá nhân, tổ chức hiểu rõ sự khác nhau và hệ quả pháp lý giữa công chứng và chứng thực; trường hợp tổ chức hành nghề công chứng thấy hợp đồng, giao dịch đơn giản, các bên tin tưởng nhau thì Công chứng viên công chứng hoặc hướng dẫn cá nhân, tổ chức lựa chọn chứng thực tại Ủy ban nhân dân cấp xã; ngược lại, trường hợp hợp đồng, giao dịch phức tạp, tiềm ẩn rủi ro cho các bên, thì Ủy ban nhân dân cấp xã hướng dẫn cá nhân, tổ chức lựa chọn công chứng tại Tổ chức hành nghề công chứng.
3. Ngoài ra, thực hiện điểm b khoản 4 Điều 26 Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (thời điểm thực hiện Luật đất đai năm 2003), Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành quyết định chuyển giao thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch từ Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện sang các tổ chức hành nghề công chứng tại một số địa bàn cấp huyện (gồm: Tuy phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc và thành phố Phan Thiết). Nay, Nghị định số 88/2009/NĐ-CP đã bị bãi bỏ và việc công chứng, chứng thực được thực hiện theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Công chứng năm 2014 và Nghị định số 23/2015/NĐ-CP. Theo đó,
- Đối với những nơi đã có Quyết định chuyển giao thẩm quyền thẩm quyền chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất từ Ủy ban nhân dân cấp xã sang các Tổ chức hành nghề công chứng thì tạm thời tiếp tục thực hiện việc công chứng các hợp đồng giao dịch tại các Tổ chức hành nghề công chứng.
- Đối với những nơi chưa Quyết định chuyển giao thẩm quyền chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất thì người yêu cầu công chứng, chứng thực có quyền lựa chọn công chứng tại các Tổ chức hành nghề công chứng hoặc chứng thực tại Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở.